Thứ sáu, 29/03/2024 - 17:48

Cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ, tạo ra niềm vui, hạnh phúc, sự thông cảm, thấu hiểu. Đặc biệt, cách cư xử của cha mẹ phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của con sau này.

Việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng nhưng không dễ dàng, để có cách ứng xử hợp lý giữa cha mẹ và con cái cần sự thấu hiểu từ cả hai phía, đặc biệt phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của cha mẹ, vì vậy các bậc cha mẹ phải nắm được một số nguyên tắc ứng xử cơ bản giữa cha mẹ đối với con cái.

- Tôn trọng con cái

Giữa các thành viên trong gia đình cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau, cha mẹ không nên áp đặt ý kiến của mình mà cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của con, để cho con có cơ hội bày tỏ bản thân.

Cha mẹ nên tôn trọng những sở thích cá nhân của con như nghe nhạc, các trò chơi thể thao…cho dù có thể trái ngược lại với sở thích của cha mẹ (Tuy nhiên với điều kiện những sở thích đó không được thái quá).

- Kính trên, nhường dưới

Việc tuân thủ nguyên tắc “kính trên, nhường dưới” là một trong các kỹ năng giúp cha mẹ hòa hợp với con cái, con cái kính trọng, hiếu thuận với cha mẹ. Cha mẹ cần sẵn sàng nhường nhịn con cái, con cái cần thể hiện thái độ tôn kính, hiếu lễ với cha mẹ.

- Giữ lời hứa

Cha mẹ cần giữ lời hứa với con cái, nếu cha mẹ thường xuyên không giữ lời hứa sẽ trở thành người không đáng tin tưởng trong mắt con cái. Đồng thời con cái sẽ dần hình thành nên thói quen “thất hứa”.

Khi hứa với con cái một vấn đề gì, hãy chắc chắn rằng đó là lời hứa hoàn toàn có thể thực hiện được. Không nên hứa cho qua chuyện, không đem lời hứa ra dụ dỗ con cái.

- Lắng nghe

Đôi khi vì muốn áp đặt con phải theo ý mình, cha mẹ không để ý, quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của con. Cha mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe con nói để có thể hiểu tâm lý của con, cùng con trải nghiệm những cảm xúc. Hãy tạo cơ hội cho con cái được chia sẻ, được lắng nghe, khi con cái được chia sẻ, thông cảm sẽ tăng thêm tình cảm.

- Làm gương

Cha mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình làm gương trong học tập, lao động, cư xử….Con cái luôn nhìn vào hành vi, cách ứng xử của cha mẹ và người lớn trong nhà để học theo. Vì vậy để con cái có cách ứng xử lễ phép, lịch sự thì trước hết cha mẹ phải là người ứng xử lễ phép với ông bà, người lớn tuổi,  lịch sự với những người xung quanh.

- Tin tưởng

Xem các con như một người lớn, để các con có thể tập quyết định những việc nhỏ, đơn giản, chia sẻ những kinh nghiệm cuộc sống một cách nhẹ nhàng, tích cực; hỗ trợ và hướng dân con cách giải quyết các vấn đề như mối quan hệ bạn bè, học tập….

- Dành thời gian cho con, chơi cới con

Tạo cơ hội nói chuyện với con vào những lúc có thể, đặc biệt là trò chuyện cả gia đình. Tại những cuộc trò chuyện gia đình con cái có thể cởi mở, hỏi bố mẹ về những điều thắc mắc, băn khoăn; ngược lại cha mẹ có thể gợi mở để con cái chia sẻ và đây cũng là thời gian khuyên bảo, dạy dỗ rất thích hợp.

Ngoài việc dành thời gian chia sẻ, nói chuyện cha mẹ cũng nên dành thời gian chơi với con, tham gia những trò chơi lành mạnh và vui vẻ. Tìm hiểu những tiếng lóng của thế hệ con cái đang sử dụng, nói chuyện và tiếp xúc với bạn bè của con, thử nghe các loại nhạc mà con đang nghe, chơi các trò chơi thể thao cùng con...sẽ tăng thêm tình thân giữa cha mẹ và con cái.

- Coi trọng bữa ăn gia đình

Một ngày ít nhất nên có một bữa ăn chung của cả gia đình. Trong bữa ăn có thể tìm những câu chuyện vui, tránh những câu chuyện buồn sẽ làm không khí bữa cơm nặng nề, bữa cơm mất ngon. Không nên dạy con trong bữa cơm.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ đặc biệt, là mối quan hệ bề chặt nhất trong tất cả các mối quan hệ giữa con người với con người. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất thắm thiết, bền chặt nhưng cũng có lúc căng thẳng, mâu thuẫn. Do đó, để duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình cha mẹ cần khéo léo vận dụng những nguyên tắc ứng xử phù hợp./.

Trà Linh

(Tổng hợp)

Bản đồ