Thứ tư, 08/05/2024 - 11:51

Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền đến 100% cơ sở Hội giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Chỉ đạo rà soát, thống kê trẻ mồ côi trên địa bàn để có kế hoạch giúp đỡ. Bằng nhiều hình thức như: tổ chức thu gom rác thải nhựa để bán, làm bánh bán gây quỹ; vận động các tổ chức, mạnh thường quân, cán bộ, hội viên, phụ nữ tự nguyện đóng góp hàng tháng để có kinh phí thực hiện....

Sau 01 năm triển khai thực hiện, đến nay, đã có 139 trẻ mồ côi được hội viên, tổ chức Hội phụ nữ các cấp đỡ đầu và kết nối mạnh thường quân nhận đỡ đầu. Ngoài hình thức hàng tháng hỗ trợ tiền mặt, đối với các em nhỏ, các mẹ đỡ đầu thường xuyên hỗ trợ bỉm, sữa. Nhân dịp năm học mới và Tết Trung thu các mẹ đỡ đầu đã thăm và tặng quà cho các con gồm sách vở, quà bánh, đèn trung thu... nhằm động viên tinh thần các con vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Hội Phụ nữ Công an tỉnh – đơn vị tiên phong

trong thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”

 

Qua thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” xuất hiện nhiều điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu như: Hội, LHPN thị trấn Đức An (Đăk Song), Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Hội LHPN huyện Đăk RLấp, cá nhân chị Bùi Thị Khánh - Chủ tịch Hội Phụ nữ phòng chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh...

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” là chương trình đầy tính nhân văn được Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện, được chính quyền địa phương, các tổ chức, ca nhân, mạnh thường quân ủng hộ, thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, hội viên phụ nữ. Những kết quả mà Hội LHPN các cấp trong tỉnh đạt được trong thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” góp phần đồng hành cùng chính quyền các cấp, chung tay cùng toàn xã hội thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ, chăm lo, cho phụ nữ và trẻ em nghèo, trẻ mồ côi để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế: kinh phí thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” chủ yếu do Hội phụ nữ các cấp kêu gọi, kết nối, một số tổ chức Hội, cán bộ Hội tự đóng góp; Tính chủ động của một số tổ chức Hội cơ sở, cán bộ Hội chưa cao, chưa sáng tạo trong cách thức triển khai cho phù hợp với tình hình tại địa phương; Công tác tuyên truyền về Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đôi lúc càn hạn chế, một số tổ chức Hội chưa phát huy, đẩy mạnh tuyên truyền trên zalo, facebook của Hội để tạo tính lan tỏa rộng rãi; một số cán bộ Hội chưa nắm rõ quy định chế độ, chính sách, luật pháp liên quan đến trẻ em nên triển khai chưa thực sự hiệu quả.

Trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục tuyên truyền ý nghĩa và kết quả đạt được của chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Tùy điều kiện của từng địa phương, các cấp Hội có thể lựa chọn số lượng, đối tượng trẻ mồ côi và cách làm phù hợp để đỡ đầu, phấn đấu 100% các cơ sở Hội thực hiện được hoạt động kết nối hoặc làm Mẹ đỡ đầu của trẻ mồ côi./.

Nguyễn Hương- Hội LHPN tỉnh Đắk Nông

Bản đồ