Thứ sáu, 19/04/2024 - 22:55

 

Những năm gần đây, những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em tại tỉnh Đăk Nông có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại là hiện nay, hầu hết nạn nhân chưa có kỹ năng tự bảo vệ và việc giáo dục giới tính cho trẻ ở các địa phương vùng sâu vẫn chưa được chú trọng. Theo thống kê, năm 2021, cơ quan công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 23 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 11 vụ xâm hại tình dục, trong đó có cả nạn nhân là trẻ em nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục như: cha mẹ thiếu quan tâm, gia đình khó khăn, nhận thức về trách nhiệm với trẻ em, về pháp luật hạn chế hoặc không có khả năng, điều kiện để bảo vệ chăm lo, giáo dục con cái, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng như bảo vệ, hỗ trợ trẻ em ở nhiều nơi chưa đạt hiệu quả tốt, trẻ thiếu kiến thức cần thiết để bảo vệ mình trước hành vi bạo hành, xâm hại tình dục. Phần lớn đối tượng bạo hành, xâm hại đến giúp trẻ em là những người thân quen với trẻ em, có mối quan hệ tình cảm, huyết thống nên các em thường rất sợ hoặc ngại tố cáo.

thể thấy những mối đe dọa hiện hữu xung quanh và tồn tại ngay trong mỗi gia đình của trẻ. Chính vì thế, bảo vệ trẻ em không chỉ xuất phát từ chính bản thân các em mà cần có sự chung tay của cả gia đình, xã hội.

Một buổi tuyên truyền về phòng chống XHTD trẻ em của Hội LHPN tỉnh

Để bảo vệ trẻ em, cần các cấp, ngành liên quan cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất: đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp để từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ của trẻ trước những nguy cơ trẻ bị xâm hại. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Thứ hai: chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Tập trung hoạt động truyền thông - giáo dục vào những địa bàn trọng điểm, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững.

Thứ ba: Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Vì trẻ em hiện nay dậy thì sớm và yêu sớm. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Cha mẹ luôn cố lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi, trẻ em càng nhỏ càng khó giải thích nỗi đau. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.

Thứ tư: Đối với các nhà trường cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh thường xuyên. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn. Thầy cô cần sẵn sàng nói chuyện, trao đổi riêng về tình bạn, tình yêu với học sinh.

Thứ năm: giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em./.

Nguyễn Hương - Hội LHPN tỉnh Đắk Nông

Bản đồ