Tờ báo Phụ nữ đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám
Sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta có nhiều tờ báo. Cờ Giải phóng (của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó đổi thành Sự thật), Lao Động (Công nhân), Hồn Mới (Thanh Niên), Độc lập (Đảng Dân chủ Việt Nam).
Còn phụ nữ thì chưa có báo. Trước đây, hồi đầu năm 1945, trong một cuộc họp tiểu ban phụ nữ xứ do đồng chí Nguyễn Văn Trân (Xứ ủy viên Bắc kỳ) triệu tập để bàn về phụ nữ tham gia Tổng khởi nghĩa có đề ra việc xuất bản một tờ báo lấy tên là Gái nước Nam nhưng tờ báo đó không ra được.
Cách mạng mới thành công, Nhà nước ta mới thành lập, còn rất nghèo, chúng tôi không có dự trữ kinh phí, trình độ tổ chức còn non yếu nhưng các đồng chí lãnh đạo cũng đồng ý cho phụ nữ được ra báo. Tòa soạn được thành lập gồm có: Chị Như Quỳnh, chị Việt Lê, chị Huỳnh Bội Hoàn (tức chị Tâm Kính), chị Hồng Trang và tôi.
Chúng tôi đã chọn và được cấp trên đồng ý đặt cho tờ báo cái tên là Tiếng gọi Phụ nữ với ý nghĩa: Ta mới nắm quyền, tờ báo sẽ là cơ quan tuyên truyền, vận động, tập hợp phụ nữ vào đoàn Phụ Nữ Cứu Quốc trong mặt trận Việt Minh, để làm hậu thuẫn cho chính quyền.
Trụ sở báo đóng ở nhà số 44 phố Hàng Bồ (Hà Nội). Một nhà in lớn ở phố Hàng Gai nhận in chịu cho báo, đến số thứ 5 mới phải trả tiền công in. Cơ quan phát hành của báo Lao Động nhận phát hành giùm không lấy tiền công. Giấy in báo thì được Bộ Tuyên truyền cấp.
Mọi việc được chuẩn bị xong xuôi, chị Như Quỳnh và tôi được cử lên xin ý kiến Bác Hồ về tờ báo Phụ nữ sắp xuất bản.
Sau khi nghe chúng tôi báo cáo về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, Bác hỏi:
- Các cô đã có con chưa?
- Dạ thưa Bác, chưa ạ
- Thế các cô có biết quấn tã cho bé không?
Chúng tôi còn lúng túng chưa kịp trả lời thì Bác bảo:
- Viết báo Phụ nữ, không thể cứ ngồi trong bốn bức tường rồi nghĩ ra mà viết điều này điều nọ mà phải viết về những chuyện, những việc cụ thể thiết thực trong đời sống hàng ngày của phụ nữ, của trẻ em.
Chỉ một câu nói của Bác đã chỉ cho chúng tôi rõ trách nhiệm và phương pháp làm báo, viết báo về phụ nữ.
Hồi ấy, chiều thứ 7 nào Bác cũng họp với các báo để Bác nói chuyện tình hình, hướng dẫn viết cho đúng. Trong những cuộc họp ấy, chỉ có hai chúng tôi là nữ, bao giờ Bác cũng dành cho chúng tôi được ngồi ghế cạnh Bác và không buổi nào Bác quên nhắc các đồng chí phục vụ:
- Lấy nước ngọt cho hai cô.
Các buổi họp chiều thứ 7 được duy trì cho đến trước ngày Bác đi họp hội nghị Fontainebleau.
Đối với tờ báo đầu tiên của đoàn thể phụ nữ Bác rất quan tâm, săn sóc. Khi tờ báo Tiếng gọi Phụ nữ đầu tiên ra mắt (ngày 1/11/1945), chúng tôi đã gửi báo “Kính biếu” tới Bác.
Chúng tôi không ngờ Bác bận trăm công nghìn việc của đất nước, của nhân dân mà vẫn dành thời gian đọc tờ báo nhỏ nhoi của chúng tôi. Không những thế, Bác còn viết cho tờ Tiếng gọi Phụ nữ nữa. Ngày 8/1/1946, chúng tôi nhận được bức thư mang dấu ấn của Phủ Chủ tịch, nội dung như sau:
“Bà Hằng Phương gửi biếu tôi một gói cam, kèm theo một bài thơ. Vì bà không cho biết chỗ ở, tôi không biết gửi thư cảm ơn đến đâu nên tôi nhờ báo Tiếng gọi Phụ nữ đăng mấy lời cảm tạ như sau:
Thơ bà Hằng Phương:
Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng
Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng kính yêu
Đắng cay Cụ nếm đã nhiều
Ngọt bùi, Trời trả đủ điều từ đây.
Cùng quốc dân hưởng những ngày
Tự do, hạnh phúc tràn đầy trời Nam
Anh hùng mở mặt giang sơn
Lưu danh thiên sử, vẻ vang giống nòi.
Trả lời:
Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đặng, từ làm sao đây?
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận, đến ngày “cam lai”?
Và số Tết của báo Tiếng gọi Phụ nữ năm 1946 đã đăng bài của Bác gửi, trên trang đầu là những vần thơ chúc Tết Bính Tuất, mở đầu cuộc vận động Đời sống mới “Cần, kiệm, liêm, chính” của Bác.
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam (trích hồi ký “Tình yêu và lý tưởng”
của bà Thanh Thủy - nguyên UV Đảng đoàn TƯ Hội LHPN VN