Thứ tư, 04/12/2024 - 00:57
Học làm người có ích: Thiết thực, ý nghĩa

Học làm người có ích: Thiết thực, ý nghĩa

​(GLO)- Biết cách yêu thương, chia sẻ và biết cách tự bảo vệ mình khi không may gặp sự cố là những bài học cần thiết đối với  80 em thiếu nhi khi tham gia khóa huấn luyện “Học làm người có ích" do Nhà Thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức.​

Học cách yêu thương

Tham gia khóa huấn luyện năm nay, ngoài TP. Pleiku còn có các học viên đến từ các huyện: Krông Pa, Chư Prông và Đức Cơ. Để tạo sự gắn kết, sự giao lưu và chia sẻ giữa các học viên, các điều phối viên của Nhà Thiếu nhi tỉnh đã chia nhóm một cách ngẫu nhiên thành 4 chi đội. Các điều phối viên cũng hướng dẫn các em kỹ năng làm việc nhóm, vai trò của các thành viên trong nhóm để hoàn thành tốt những nội dung mà chương trình đưa ra. “Khi xã hội ngày càng phát triển, các em dễ dàng tiếp cận với những trang-thiết bị hiện đại phục vụ việc học tập và vui chơi dẫn đến nhu cầu giao tiếp của các em cũng ít đi. Chính vì thế, khóa học đã xây dựng nhiều nội dung phù hợp theo lứa tuổi nhằm tạo sự chuyển đổi tâm lý trong các em"-chị Nguyễn Huỳnh Liên Phương-cán bộ Nhà Thiếu nhi tỉnh, cho biết.

hoc lam nguoi co ich.gif

Các học viên được hướng dẫn kỹ năng sử dụng bình chữa cháy để dập tắt lửa. Ảnh: T.B


 

Thông qua bài giảng, các em được học kỹ năng giao tiếp-hòa nhập với cuộc sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân…  Bằng những tình huống giả định mà các điều phối viên đưa ra, các học viên đã được hướng dẫn cách xử lý những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, gia đình và trường học, giúp các em hình thành những thói quen: biết giới thiệu về bản thân, biết lễ phép chào hỏi, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết phân biệt hành động đúng-sai…Tất cả những điều tưởng rất quen thuộc này, trên thực tế lại có khá  nhiều em còn chưa được chỉ bảo, trang bị đầy đủ. Cùng với đó, các học viên tham gia chương trình kết nối yêu thương được hướng dẫn cách bày tỏ lời biết ơn, cách ứng xử với cha mẹ, ông bà, thầy cô sao cho đúng mực.

Sau những bài học về tình yêu thương, học viên được tham gia hoạt động kỹ năng thắt nút dây vật dụng trang trí như: chú chuồn chuồn, dây đeo tay, tái chế các vật dụng bỏ đi thành vật dụng hữu ích. Các em cũng thể hiện sự đoàn kết, cùng nhau vượt qua thử thách để hoàn thành hoạt động trò chơi lớn và đã có những phút sôi động, vui vẻ với những bài nhảy dân vũ hiện đại. Em Nguyễn Trần Vân Nhi (lớp 4, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Pleiku) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia chương trình này. Nhờ các anh chị hướng dẫn, em đã học được cách chia sẻ và yêu thương nhiều hơn. Đồng thời, em cũng quen được nhiều người bạn mới đến từ nhiều địa phương khác".

Kỹ năng sống cần thiết

Phòng-chống tai nạn thương tích, kỹ năng thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy, phòng tránh tai nạn đuối nước là những vấn đề  xã hội đang rất quan tâm. Đặc biệt, đây là thời gian các em được nghỉ hè và lứa tuổi 9-14 hiếu động, hay tò mò dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh nên nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích tăng cao.

Tại khóa học này, các học viên đã được cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) hướng dẫn các kỹ năng xử lý đám cháy và cách dập tắt đám cháy mới phát sinh. Sau những bài học lý thuyết, các em được tham gia thực hành sử dụng bình chữa cháy, cách thoát hiểm khi có đám cháy xảy ra, cách thoát hiểm đúng khi ở nhà cao tầng cũng như cách sơ cứu ban đầu khi không may có tai nạn thương tích xảy ra. Với mỗi hoạt động, các em đều rất thích thú trả lời các câu hỏi tìm hiểu kỹ năng bảo vệ bản thân khi có sự cố và hào hứng tham gia thực hành các kỹ năng. Em Cao Nguyễn Hà Anh (lớp 5A3, Trường Tiểu học số 1 Phú Túc, huyện Krông Pa) bày tỏ: “Em được các chú Công an hướng dẫn phải hô to khi có đám cháy xảy ra, phải dùng khăn ướt để bịt mũi và khom người khi thoát khỏi đám cháy. Năm sau, em sẽ xin mẹ tiếp tục tham gia khóa huấn luyện này bởi em thấy mình đã có thêm được những kiến thức bổ ích từ chương trình".

Bơi-một trong những kỹ năng cần thiết hiện nay cũng được Nhà Thiếu nhi đưa vào khóa học. Các học viên được thực hành kỹ năng bơi, cách sơ cứu đuối nước, cách cứu người đuối nước dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện bơi Yết Kiêu. Khóa huấn luyện cũng tạo điều kiện cho các học viên tham gia dã ngoại, trải nghiệm cuộc sống làm “Nông dân tí hon" tại vườn rau An Phú (TP. Pleiku), được học cách trồng rau, tưới nước, úp nơm bắt cá… Chị Nguyễn Thị Hà-phụ huynh em Nguyễn Anh Vinh (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) tâm sự: “Theo sát con trong suốt 3 ngày diễn ra chương trình, tôi thấy có nhiều kỹ năng rất cần thiết mà nếu không tham gia khóa huấn luyện thì cháu sẽ không bao giờ học được. Đây là một trong những chương trình rất ý nghĩa, bổ ích với các cháu thiếu nhi, vì thế, cần được tổ chức nhiều hơn".

Bà Lê Thị Hà-Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh: “Mỗi năm, chúng tôi đều cố gắng đổi mới nội dung khóa huấn luyện để tạo sự mới mẻ cho các em. Phòng-chống tai nạn thương tích, kỹ năng thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy, phòng tránh tai nạn đuối nước đều là những kỹ năng mới được đưa vào chương trình khóa huấn luyện năm nay. Sắp tới, Nhà Thiếu nhi tỉnh sẽ tổ chức chương trình này ở huyện Chư Sê nhằm giúp các em thiếu nhi tại địa phương có thêm những kỹ năng sống cần thiết".
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ