Thứ bảy, 27/04/2024 - 02:15

Nhớ về một số Phụ nữ Việt Nam  tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử

Trong dòng chảy lịch sử đầy vẻ vang và tự hào của dân tộc Việt Nam, phụ nữ luôn đóng một vai trò trọng yếu. Ở thời đại nào, cũng có những người phụ nữ tài trí, bản lĩnh, kiên cường, luôn nêu cao tinh thần và phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khất, trung hậu, đảm đang”.

Hướng tới kỷ niệm 91 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10.1930- 20.10.2021) - ngày tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, chúng ta cùng tìm hiểu những câu chuyện về họ cũng là cách chúng ta cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, của Phụ nữ Việt Nam và cùng nhau tiếp nối, phát huy truyền thống quý báu đó trong giai đoạn hiện nay.

Đầu tiên phải kể đến nữ vương đầu tiên trong lịch sử dân tộc - Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, những người phụ nữ mạnh mẽ dám đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán (Năm 40 - 43 SCN). Hai Bà được biết đến như những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và tự phong là nữ vương. Thời kì của Hai Bà xen giữa Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2 trong lịch sử Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ Vương, vang mãi lời thề trước giờ xuất binh:

“Một xin rửa sạch nước thù,

Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng,

Ba kêu oan ức lòng chồng,

Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này”.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, nước Việt Nam có người nữ chiến sỹ cộng sản Việt Nam đầu tiên là bà Nguyễn Thị Minh Khai. Bà là một nữ chiến sĩ cộng sản tiền bối trên quê hương Xô viết, người đã làm rạng danh truyền thống cách mạng của Phụ nữ Việt Nam. Năm 1927, bà gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1929 thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng ở Trung Hoa. Năm 1935 vào học trường Đại học Phương Đông tại Liên Xô cũ cùng với Lê Hồng Phong là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản. Năm 1937, bà về nước hoạt động. Sau Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, bà bị thực dân Pháp bắt năm 1940, bị chúng kết án tử hình và xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn năm 1941.

Tiếp đó phải kể đến chị Võ Thị Sáu, là một nữ du kích trong kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, người nhiều lần thực hiện các cuộc mưu sát nhắm vào các sĩ quan Pháp và những tên phản quốc cộng tác đắc lực với chính quyền thực dân Pháp tại miền Nam Việt Nam. Do bị chỉ điểm, chị bị quân Pháp bắt và bị tòa án binh quân đội Pháp xử tử hình khi chưa đến 18 tuổi. Chị như một biểu tượng nữ Anh hùng tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp và được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1993 (ngành công an) - Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trẻ nhất. Hình ảnh chị Sáu hiên ngang, kiêu hùng trước họng súng của kẻ thù sẽ còn mãi với thời gian, một con người bất tử:

“... Người con gái trẻ măng

Giặc đem ra bãi bắn

Đi giữa hai hàng lính

Vẫn ung dung mỉm cười

Ngắt một đóa hoa tươi

Chị cài lên mái tóc

Đầu ngẩng cao bất khuất”.

Chị Võ Thị Sáu - Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trẻ nhất (hình vẽ in họa)

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, truyền thống của Phụ nữ Việt Nam tiếp tục được phát huy, nhiều gương phụ nữ kiên cường, gan dạ, thông minh trong đấu tranh chống kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc, trong đó không thể không nhắc về người phụ nữ là Nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thể kỷ XX, đó là thiếu tướng Nguyễn Thị Định, hay còn được gọi với cái tên trìu mến là “bà Ba Định”. Bà thật xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phó Tư lệnh giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta”.

Bà Nguyễn Thị Bình (bên trái) và bà Nguyễn Thị Định (bên phải)

 

Hay người phụ nữ là Sứ giả hòa bình của Việt Nam - Nguyễn Thị Bình. Bà vốn quê ở Quảng Nam nhưng được sinh ra (năm 1927) tại Sa Đéc - Đồng Tháp. Bà tham gia phong trào đấu tranh cách mạng từ 1945 và trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào Phụ nữ cứu quốc Sài Gòn - Chợ Lớn, phong trào học sinh sinh viên, phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình của giới trí thức ở miền Nam. Bà được biết đến là một trong những nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris. Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) được coi là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Khi đó, bà là trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris giai đoạn 1968-1973. Hiệp định Paris đã ghi lại những thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Bà cũng là nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Bà là người phụ nữ Việt Nam thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ và là người nữ Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước.

Cùng vinh danh với những nữ anh hùng hào kiệt là những phụ nữ có học thức sâu rộng thời bấy giờ như nữ Tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam - bà Nguyễn Thị Duệ (hay Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn) là nữ Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam. Nguyễn Thị Duệ, quê huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Là một người hiếu học, song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để dự việc đèn sách. Khoa thi tiến sĩ năm Giáp Ngọ (1594) bà mang tên giả là Nguyễn Du đi thi và đỗ đầu khi tuổi vừa 20. Đến khi mở yến tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ dáng vẻ mảnh mai, mặt mày thanh tú… nên dò hỏi. Khi đã rõ chuyện, Nguyễn Thị Duệ không bị khép tội mà còn được vua khen ngợi… Sau đó, vua mời bà vào cung để dạy các phi tần, rồi được tuyển làm phi: Tinh Phi (Sao Sa) và người ta quen gọi là “Bà Chúa Sao”. Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Nguyễn Thị Duệ vào rừng ẩn náu, bị quân lính bắt được. Mến tài, vua Lê và chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học trong vương phủ… Khi mất, người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm phúc thần. Khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, nước ta có “Bà chúa thơ Nôm” - nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bà sinh ra ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà là nữ sĩ tài hoa, nổi tiếng với nhiều sáng tác thơ Nôm trào phúng. Bà dược mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm không chỉ bởi số lượng tác phẩm mà còn vì nghệ thuật điêu luyện với ý tưởng sâu sắc. Một nhà nghiên cứu đã nói về thơ bà “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương lừng lững biểu hiện một cách sinh động trực quan khả năng giàu có mà hiểm hóc đến mức kỳ lạ của ngôn ngữ dân tộc”.

Bên cạnh đó, trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người vợ, người mẹ với nỗi đau mất chồng, mất con - Họ là những người Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 người con ruột, một con rể và hai cháu ngoại lần lượt hi sinh. Cuộc đời Mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài bất hủ của tinh thần yêu nước, sự hy sinh vô bờ bến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mẹ Thứ được chọn làm nguyên mẫu cho công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - một công trình văn hóa cấp quốc gia, ghi nhớ công ơn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam).

Tượng đài Mẹ Thứ (Ảnh sưu tầm)

Và còn rất nhiều những gương Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện nay, xứng đáng với 8 chữ vàng  mà Bác Hồ trao tặng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Họ là một phần không thể thiếu góp vào thành công của cách mạng Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Truyền thống đó sẽ luôn được Phụ nữ Việt Nam hôm nay và mai sau gìn giữ, phát huy phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ mới.

Phạm Lục

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ