Thứ năm, 28/03/2024 - 23:09

​(GLO)- Hiện đang là thời điểm kết thúc năm học. Theo đó, các cơ sở trường học đã hoàn tất việc đánh giá kết quả học tập, khen thưởng học sinh cuối năm và phê vào học bạ. Các bản báo cáo thành tích của các trường, nhất là các trường Tiểu học ở khắp nơi đều  “nổ như pháo" với tỷ lệ học sinh lên lớp gần như tuyệt đối, học sinh khá, giỏi thường đạt từ 80% đến 90%, thậm chí có lớp học sinh đạt danh hiệu xuất sắc trên 50%.​

​Theo Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở bậc Tiểu học có 2 danh hiệu khen thưởng học sinh cuối năm, gồm: học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện; học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất. Nếu đánh giá đúng theo Thông tư 22 thì rất khó có học sinh xuất sắc. Bởi lẽ, ngoài phải học giỏi các môn văn hóa như: Toán, Tiếng Việt, Khoa học… thì còn phải hoàn thành tốt các môn năng khiếu như: Nhạc, Họa, Tiếng Anh… Thông thường, không phải học sinh nào học giỏi các môn Toán, Tiếng Việt… cũng có thể hát hay, đàn giỏi, vẽ đẹp.

Ở đây, người ta cũng phát hiện sự bất cập của Thông tư 22 là đánh giá học sinh trong năm học bằng nhận xét, nhưng cuối năm thì lấy điểm xếp loại (dưới 5 điểm là chưa hoàn thành; 5-8 điểm là hoàn thành; 9-10 điểm là hoàn thành tốt). Nếu so với cách xếp loại trước đây (kém, trung bình, khá, giỏi) thì hướng dẫn đánh giá này phức tạp và thiếu chính xác. Các cấp quản lý giáo dục cho rằng càng chi tiết hóa trong việc đánh giá kết quả học tập với học sinh Tiểu học như vậy sẽ tạo nên sự công bằng hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục. Nhưng trong thực tiễn, giáo viên thường biến các nhận xét, đánh giá học sinh cuối năm thành con số đẹp để làm vừa lòng cấp trên và có được nụ cười mãn nguyện của cha mẹ các em.

Với cấp Tiểu học, trên lý thuyết, chúng ta chủ trương không đặt nặng vấn đề đánh giá học sinh bằng điểm số, không gây áp lực để học sinh sớm ganh đua nhau, tạo ra tâm lý tiêu cực. Tuy nhiên, trong thực tế, với cách chạy theo thành tích lâu nay đã khiến các trường “hô biến" thành những con số ảo, giả tạo với mọi người. Đó là phản giáo dục. Biết rằng đã bước vào trường học thì phải có sự đánh giá, nhận xét và thi cử. Nhưng quan điểm giáo dục hiện đại, giáo dục mở ngày nay với yêu cầu phát triển toàn diện, làm cho mỗi con người được thể hiện đầy đủ các năng lực, sở trường của bản thân nên việc đánh giá không thiên về sự tiếp thu tri thức theo kiểu lấp đầy mà cần phát huy các năng lực sáng tạo cá nhân ở tầm cao nhất.

Sắp đến, chúng ta sẽ đưa vào áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới được cho là tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến. Vì vậy, không thể áp dụng cách đánh giá học sinh theo kiểu cũ mà cần có bộ tiêu chí phù hợp với tư duy giáo dục hiện đại. Vì vậy, đánh giá học sinh như thế nào để các em thấy được khả năng phát triển của mình một cách xác thực nhất, tránh tâm lý tự ti, mặc cảm làm hạn chế sự vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống là điều nên làm. Chúng tôi cho rằng, cũng không nên vì thành tích của nhà trường, của cá nhân các thầy cô hoặc để lấy lòng các bậc phu huynh mà nâng các em trở thành “thần đồng" bất đắc dĩ.

Bản đồ